Cố đô Huế được biết đến là nơi lưu giữ nhiều kiến trúc cổ xưa nhất tại Việt Nam. Từ kinh thành Huế, nhà ở hay những ngôi chùa đều sở hữu nét đẹp cổ kính, lâu đời. Trong đó, ngôi chùa Từ Hiếu là một trong ngôi cổ tự lâu đời nhất tại Huế xuất hiện từ thời nhà Nguyễn. Đây cũng là nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia tu hành và tịnh dưỡng những năm cuối đời. Chùa Từ Hiếu là một trong những địa điểm du lịch tâm linh yên bình mà du khách không nên bỏ qua khi đến Huế.
Lịch sử của chùa Từ Hiếu
Chùa Từ Hiếu nằm ẩn mình trong một rừng thông lớn tại phường Thủy Xuân, Tp Huế. Đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử hình thành lâu đời và mang theo một câu chuyện về tình mẫu tử cực kỳ cảm động. Ngôi chùa ban đầu chỉ là một Thảo Am do thiền sư Nhất Định – nguyên là Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự trong Hoàng Cung lập ra vào năm 1843. Sau này khi lui cáo lui về ở ẩn, ngài tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già tại đây.
Sau một lần mẹ già lâm bệnh nặng, thiền sư hàng ngày lo lắng thuốc men tĩnh dưỡng nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Ông phải bồi dưỡng sức khỏe cho mẹ bằng các loại thực phẩm cá thịt để chóng lành bệnh. Xung quanh mọi người đồn thổi ông là hòa thượng nhưng lại phạm giới (ăn mặn). Bỏ ngoài tai những thị phi, gièm pha ông vẫn tận tình chăm sóc mẹ già.
Câu chuyện này sau đó đã đến được tai vua Tự Đức, nhà vua cho người tìm hiểu sự tình mới hay thiền sư nấu cháo cho người mẹ ốm đau còn bản thân vẫn ăn chay tịnh, một lòng hướng Phật tu hành. Khi biết được sự tình, nhà vua cảm kích trước tấm lòng của hòa thượng và đã ban cho Sắc tứ Từ Hiếu tự. Vào năm 1848, khi thiền sư Nhất Định viên tịch, triều đình đã cho người tu sửa am và mở rộng trở thành chùa Từ Hiếu.
Năm 1984 hòa thượng Cương Kỷ tiếp tục trùng tu và hoàn thiện khuôn viên chùa với sự giúp đỡ của vua Thành thái cùng giám quan và các Phật Tử. Đến năm 1931, hòa thượng Huệ Minh tiếp tục trùng tu, cải tạo và xây dựng thêm hồ bán nguyệt. Năm 1962, hòa thượng Chơn Thiệt trùng tu và chỉnh trang lại toàn cảnh khuôn viên chùa. Năm 1971, chùa Từ Hiếu được Thượng Tọa Chí Niệm trùng tu cửa tam quan, hồ bán nguyệt và những khu vực bị hư hỏng.
Nơi đây còn được biết đến là nơi an nghỉ của 24 vị thái giám của nhà Nguyễn. Theo như lời kể lại, ngôi chùa Từ Hiếu được tu sửa và mở rộng là nhờ sự giúp đỡ của một vị thái giám tên Châu Phước Năng. Ông kêu gọi các thái giám trong cung đóng góp mở rộng chùa Từ Hiếu để sau này khi chết có nơi thờ tự, hương khói. Đó là lý do sau này các vị thái giám khi chết đều được chôn ở một ngọn đồi nhỏ bên cạnh chùa Từ Hiếu.
Trải qua nhiều thế kỷ, chùa Từ Hiếu đã trở thành biểu tượng lớn thể hiện cho đạo hiếu, lòng thành kính. Điều này đã dần ngấm vào đời sống văn hóa của người dân xứ Huế như một nét đẹp ấn tượng.
Cách di chuyển đến chùa Từ Hiếu
Chùa Từ Hiếu cách kinh thành Huế khoảng 6km (mất khoảng 12 phút đi xe). Vì vậy bạn có thể lựa chọn di chuyển từ cố đô Huế đi chùa Từ Hiếu bằng xe máy, ô tô hay taxi. Bạn đi men theo đường Điện Biên Phủ sau đó rẽ vào đường Lê Ngô Cát, chạy thêm một đoạn sẽ thấy biển chỉ dẫn vào chùa. Nếu có lạc thì bạn đừng quá lo lắng, hãy hỏi bất kỳ người dân nào cũng có thể chỉ cho bạn biết chính xác vị trí của chùa Từ Hiếu.
Nét nổi bật của chùa Từ Hiếu
Du khách khi đến tham quan chùa Từ Hiếu sẽ không khỏi ngạc nhiên về nét đẹp kiến trúc cũng như cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Những đặc điểm giúp chùa Từ Hiếu trở nên nổi bật hơn trong mắt du khách phải kể đến như:
Vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa Từ Hiếu
Ngôi chùa Từ Hiếu được xây dựng theo lối kiến trúc ba căn hai mái. Ngay từ cổng vào bạn sẽ thấy được một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng. Những chi tiết rồng phượng được chạm khắc tỉ mỉ trên phần hiên, cột chùa và mái ngói. Ngoài ra một số biểu tượng khác cũng được sử dụng tạo nên một vẻ ngoài ấn tượng cho ngôi chùa.
Ngay phía ngoài cổng tam quan là tòa tháp Bồ Đề cao 3 tầng được xây dựng từ tháng 3 năm Thành Thái thứ 6 tức năm 1894. Tháp được xây dựng với mục đích lưu trữ, bảo quản sách kinh, tranh tượng,… bị hư hỏng từ các am, tự hay ở các tư gia. Đây được xem là một trong những công trình kiến trúc độc đáo nhất tại Huế. Ngay phía trước tháp là bia đá 130 tuổi dùng để ghi chép lại việc xây dựng tháp bằng chữ nôm.
Cổng chùa xây dựng theo kiến trúc tam quan đặc trưng có hoa văn đầu rồng cùng phần thân được thiết kế uốn lượn. Cổng xây dựng với 2 tầng và 4 cột có câu đối đặt ở 2 bên viết bằng chữ nôm với 2 bên đều được trang trí bức tranh tùng mai. Theo thời gian, cổng chùa đã từng bị hư hỏng nhưng được trùng tu và giữ lại vẻ đẹp cổ kính ban đầu.
Bước qua cổng chính là hồ bán nguyệt với dòng nước xanh mát. Bên cạnh là một tấm bia gắn liền với câu chuyện của thiền sư Nhất Định và cũng là lời răn dạy cho con cháu thế hệ sau. Người xứ Huế truyền tai nhau câu nói nổi tiếng “Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại; Hiếu là đầu hạnh của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời.”
Không gian chùa Từ Hiếu được thiết kế theo dạng chữ khẩu đặc trưng của Phật Giáo thời đó. Phía trước là điện thờ Phật, hai bên là bia ghi lịch sử hình thành và tu sửa qua từng mốc thời gian. Điện phía sau là Quảng Hiếu Đường, ở giữa thờ Đức Thánh Quan, bên phải các vị thái giám Triều Nguyễn, bên trái thờ hương linh phật tử tại gia. Ngay phía sau là Tả Lạc Thiên (nhà tăng) và Hữu Ái Nhật (nhà khách).
Xung quanh tổ đình Từ Hiếu còn có nghĩa trang chôn cất 24 vị thái giám. Hằng năm vào tháng 11 âm lịch nhà chùa sẽ tổ chức lễ hiệp kỵ (lễ cúng cho các vị thái giám) tưởng nhớ công đức của họ trong việc tôn tạo và xây dựng chùa.
Vẻ đẹp thiên nhiên yên bình
Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy kinh ngạc khi tận mắt nhìn thấy khung cảnh thơ mộng của chùa Từ Hiếu. Nơi đây mang cảm giác thanh tịnh, yên bình với khung cảnh tươi mát hoàn hảo giúp bạn gạt bỏ đi những muộn phiền của cuộc sống.
Không gian mở xung quanh là cây cối tương tốt, sơn thủy hữu tình đơn giản đậm nét kiến trúc cung đình Huế xa xưa. Điều này thể hiện cực kỳ rõ ngay từ cổng Tam Quan với đường nét chạm khắc tinh tế, hoa văn rồng phượng bắt mắt. Du khách sẽ cảm nhận được sự thoải mái, trong lành khi bước vào chùa Từ Hiếu bởi ngay sau cổng chùa chính là một hồ cá lớn phản chiếu những bóng cây xanh thích mắt. Đi sâu hơn vào trong chùa bạn sẽ thấy một rừng thông bạt ngàn với những khe suối uốn lượn. Khung cảnh thơ mộng, yên bình là điểm đến tâm linh lý tưởng cho du khách cũng như các Phật tử gần xa.
Đến với chùa Từ Hiếu du khách sẽ có được những trải nghiệm mới lạ với không gian tâm linh thanh tĩnh, thơ mộng tuyệt đẹp. Với vị trí địa lý đẹp, yên bình nơi đây là địa điểm lý tưởng cho du khách hòa mình với thiên nhiên và tạm quên đi những mệt nhọc, khó khăn của cuộc sống xô bồ.