Cà phê Typica có nguồn gốc lâu đời từng được xem là tiêu chuẩn vàng cho mọi thước đo chất lượng của cà phê. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại dù với năng suất cao song khả năng chống chịu sâu bệnh rất kém nên café Typica không được trồng phổ biến. Nhưng đó không phải là điều quá quan trọng, bởi với những người yêu cà phê, Typica là “ông tổ” của các giống Arabica nổi tiếng hiện nay và họ muốn tìm về hành trình của Typica như cách tìm về cội nguồn của những tách cà phê thơm ngon, đây mới thật sự là điều ý nghĩa.
Cà phê Typica là gì?
Cà phê Typica là loại thuộc chi Arabica, thuộc giống cà phê Arabica thuần chủng. Typica cũng là giống cà phê lâu đời nhất trên thế giới và chính là chủng cà phê đầu tiên được tìm ra. Cây café Typica khá cao so với các giống cây cà phê bình thường khác, các cành nhỏ mọc theo hình nón và chếch nghiêng góc 60 độ so với nhánh chính. Lá của chúng thường có màu vàng đồng. Hạt Typica hình bầu dục, kích thước khá nhỏ.
Xem thêm: Từ A – Z về cà phê Arabica
Người ta nói cà phê Typica là hoàng hậu trong vương quốc cà phê. Bởi lẽ để trồng và chăm sóc được giống cây này phải cần có một điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để có được những trái cà phê to và bắt mắt như chúng ta vẫn thấy.
So với cây Bourbon, cây Typica có hạt dài hơn và sản lượng cà phê ít hơn khoảng 20 – 30%. Đây là một giống cà phê rất khó trồng vì chúng dễ bị sâu bệnh và chỉ có thể phát triển ở độ cao 1500m nên rất ít và hiếm. Tuy vậy nhưng cafe Typica lại cho năng suất cao cùng chất lượng, được nhiều người yêu thích và xem là thước đo cho mọi sự đánh giá về phẩm chất của cà phê. Bởi đây cũng là giống cafe có yếu tố di truyền học cực kì quan trọng trong việc lai tạo các giống cà phê hiện nay. Theo WCR giống Arabica Typica thường được biết đến như một nhóm với nhiều các giống hậu duệ này được canh tác rải rác trên khắp thế giới và mang các tên gọi khác nhau như Criollo (Creole), Indio (tại Ấn Độ) hoặc Arábigo (Arabica),…
Nguồn gốc, lịch sử phát triển của café Typica
Là loại cà phê quan trọng nhất về mặt di truyền trên thế giới nhưng rất ít người biết đến nguồn gốc thật sự của hạt cà phê Typica. Theo nhiều ghi chép lịch sử để lại, các khu rừng cà phê ở Tây Nam Ethiopia và Yemen chính là nơi tìm ra hạt café Typica (khoảng thế kỷ XVI), sau đó những hạt giống này được gửi đến Ấn Độ, cụ thể là Baba Budan để tạo ra các đồn điền cà phê Malabar tại thời điểm đó.
Vào năm 1696 – 1699 người Hà Lan cũng đã đến và mang hạt café Typica đến Batavia, thuộc Jakarta – thủ đô Indonesia ngày nay. Nhưng vẫn chưa dừng lại ở đây, bước ngoặt đặt nguồn giống cà phê sau này bắt đầu tại vườn thực vật Amsterdam. Cụ thể vào năm 1706, từ nhóm café Typica trên đảo Java – Indonesia, một cây cà phê Typica duy nhất đã được mang đến Amsterdam. Sau đó vào năm 1714, hiệp ước hòa bình giữa Utrecht, Hà Lan và Pháp được ký kết, thị trưởng Amsterdam đã tặng một cây cà phê giống này cho vua Louis IV của Pháp, từ đó giống cà phê này bắt đầu có mặt trong nhà kính của Jardin des Plantes và dần lan rộng về sau này.
Sự có mặt của Typica tại Trung & Nam Mỹ
Cà phê Typica có mặt tại Trung & Nam Mỹ vào thế kỷ 17, khi hai đế quốc Pháp và Hà Lan đang chia nhau một vùng thuộc địa Guianas ở Nam Mỹ. Lúc này một bên do Hà Lan kiểm soát, bên còn lại thì trong tay người Pháp. Và như thế, vào năm 1719, café Typica đã lan từ Guiana-Hà Lan đến Guiana-Pháp rồi có mặt ở Brazil năm 1727. Sau đó, từ Brazil, cà phê Typica tiếp tục được chuyển đến Peru và Paraguay. Vào cuối thế kỷ 18, việc trồng trọt café Typica lan rộng đến vùng Caribbean (Cuba, Puerto Rico, Santo Domingo), Mexico và Colombia, và từ đó phổ biến đến Trung Mỹ (nó được trồng ở El Salvador sớm nhất vào năm 1740). Hiện nay vì giống café Typica có năng suất thấp và rất nhạy cảm với các bệnh cà phê như bệnh gỉ sắt, Berry và cả các bệnh tuyến trùng nên nó đã dần dần được thay thế ở nhiều nước.
Sự có mặt của cà phê Typica tại Việt Nam
Vào những năm 1875, người Pháp đến Cầu Đất (Đà Lạt) và lập ra một số đồn điền ở đây để canh tác giống cà phê Typica. Thời kỳ bấy giờ tại Việt Nam loại cà phê này có giá thành rất cao chỉ có tầng lớp quý tộc, thượng lưu mới được thưởng thức. Nhưng từ năm 2001 do năng suất của loại cà phê này rất thấp nên giá cà phê cũng giảm mạnh, người ta bắt đầu chặt Typica đi và thay thế bằng những giống cà phê mang lại năng suất cao hơn. Rồi như thế Typica dần bị “soán ngôi” và không còn chỗ đứng vững trên thị trường, người ta chỉ còn biết đến nó với với cái tên “Moka Cầu Đất”. Ngày nay, để có được café Typica thuần chủng tại Việt Nam khá khó khăn và sản lượng vô cùng hạn chế. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà loại cà phê này càng trở nên quý hơn bao giờ hết!
Các vùng trồng và phát triển giống café Typica
Cà phê Typica thich nghi với điều kiện lạnh rất tốt. Do vậy hiện nay chúng được trồng ở vùng núi cao nổi tiếng như ngọn núi Blue Mountain ở Jamaica với độ cao trên 2000m. Tuy nhiên theo thống kê, khu vực Mỹ Latinh vẫn là vùng trồng chính và cung cấp café Typica chất lượng tốt nhất. Với sản lượng hàng năm đạt 40% lượng cà phê tiêu thụ về Typica trên toàn thế giới.
Một số giống cà phê Arabica Typica nổi tiếng
Cafe Typica hoặc Bourbon là các chủng cà phê đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên hiện nay, các trang trại trồng cà phê chuyên về Typica rất hiếm. Và dù giống Typica hầu hết là các cây cà phê bản địa có nguồn gốc di truyền từ Typica như Blue Mountain, Kona, Java và Sumatra … nhưng hiện nay chúng đều bị nhầm lẫn là những giống loài riêng. Dưới đây là một số loài cụ thể:
Giống Kent từ Ấn Độ
Sau khi bệnh gỉ sắt xuất hiện làm suy thoái giống cafe Typica thuần thuần thì đây là cây cà phê đầu tiên từ giống Typica được trồng để chống lại bệnh này. Thế nhưng nhiều người lại hiểu lầm rằng giống này có nguồn gốc từ các cây Typica được trồng ở miền Đông Ấn Độ nhưng trên thực tế nó đã được trồng trên khắp đất nước. K7 là một trong những phiên bản của Kent rất phổ biến ở Kenya.
Cây cà phê Kona (Hawai)
Là một trong những loại cà phê đắt tiền, giống Kona được đánh giá cao nhất trên thế giới. Bởi Kona được canh tác dựa trên các điều kiện và phương pháp trồng trọt độc đáo (và được quy định cao) của vùng Kona ở Hawai nên đã tạo ra một giống “Kona Typica” rất cá biệt (hương vị khác biệt chứ không phải là từ đặc điểm di truyền). Với danh tiếng chất lượng làm lu mờ cả nguồn gốc cafe Typica, nhưng hiện tại cà phê Kona cũng đang trở nên khá khan hiếm.
Giống Blue Mountain (Jamaica)
Cũng là một giống cà phê có nguồn gốc từ Typica, bắt nguồn từ vùng núi Blue Mountains của Jamaica. Tuy nhiên, Ủy ban Công nghiệp Cà phê Jamaica đã giám sát sự tăng trưởng và chế biến cà phê này và “Blue Mountain” là cái tên đã được hội đồng chứng nhận. Tương tự như café Kona, thương hiệu Blue Mountain cũng đắt đỏ và làm lu mờ đi “thương hiệu” café Typica thật sự của nó.
Giống Maragogype (Brazil)
Maragogype là một đột biến tự nhiên của giống café này được phát hiện vào khoảng năm 1870 ở Brazil. Giống cà phê này có năng suất tương đối thấp, còn lại mọi thứ trên cây Maragogype đều rất lớn: Kích thước chung, lá, quả & hạt. Hiện nay Maragogype vì cho năng suất thấp nên cũng không được trồng rộng rãi, nhưng vì tính hiếm có và chất lượng tương đối của nó đã thu hút không ít người quan tâm.
Hương vị của Arabica Typica
Có lịch sử và nguồn gốc xa xôi cùng với những đặc tính di truyền của mình nên cà phê Typica cũng có một hương vị vô cùng khác so với những giống cà phê khác. Theo đó, Typica có hương thơm ngây ngất, có thể quyến rũ bất cứ ai muốn chạm đến nó, đó là một hương thơm khác biệt cực kỳ sang trọng thường liên tưởng đến hương vị hoa quả, socola. Về mùi vị, Loại cafe này chứa một lượng lớn axit malic – cho vị chua giống như trong một quả táo.
Có thể nói hương vị của loại cà phê này mang một vị chua nổi trội, có chút đắng dịu và mang hậu vị ngọt rất dễ chịu.
Lời kết
Mặc dù sản lượng khan hiếm trên thế giới nhưng café Typica lại là một trong những loại cà phê được “săn lùng” nhiều nhất hiện nay. Nếu có cơ hội hãy thử một lần thưởng thức hương vị đặc biệt của tách cà phê “cội nguồn” này nhé. Trên đây là bài viết tổng quan về cà phê Typica, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp từ các bạn đọc nói chung và những tín đồ “sành” cà phê nói riêng!
Nguồn: ArtCoffee.vn
Xem thêm:
https://www.minds.com/artcoffeevietnam/