Chùa Phật cô đơn là một trong những nơi để cầu phúc, thăm viếng và khám phá thêm nét đẹp tôn giáo cũng như tín ngưỡng đa dạng nằm giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, đây cũng là địa điểm thu hút nhiều tăng ni, phật tử theo học. Tiếp tục khám phá nhiều thông tin hơn về ngôi chùa này trong bài viết bên dưới nhé! Bạn chắc chắn sẽ biết được rất nhiều thông tin hữu ích, cũng như là lý giải nguồn gốc tên gọi độc đáo của chùa, đặc biệt là đối với ai sắp đến thành phố mang tên Bác du lịch.
Địa chỉ chùa Phật cô đơn ở đâu?
Chùa thực ra có tên gọi chính thức là Bát Bửu Phật Đài, tên gọi Phật cô đơn do dân gian truyền miệng mà thành. Nay chùa đã được đổi tên là chùa Thanh Tâm.
Chuyện kể rằng, trong thời chiến tranh loạn lạc, dưới sự tàn phá dữ dội của bom đạn từ kẻ thù, chùa Thanh Tâm (Bát Bửu Phật Đài) đã gần như bị thiêu rụi hoàn toàn. Thế nhưng, không hiểu vì sao mà phần kim thân của Đức Phật lộ thiên lại vẫn sừng sững và toàn vẹn.
Sau này khi dân chúng đã di tản để lánh nạn, nơi đây dần hoang phế không một bóng người, Đức Phật vẫn hiền hoà tĩnh tại giữa đồng không mông quạnh. Bởi thế, vào năm 1976, khi các đoàn thanh niên xung phong có dịp đến chùa để lao động công ích đã bắt đầu gọi chùa với cái tên “chùa Phật cô đơn”.
Tên gọi này mang nhiều ý nghĩa đặc biệt dễ đi vào lòng người, nên vẫn được hầu hết người dân lưu truyền mãi về sau.
Chùa Phật cô đơn mở cửa lúc mấy giờ?
Nếu bạn có ý định đến cúng Phật, tham quan chùa thì nên chú ý thời gian mở hay đóng cửa. Chùa Phật cô đơn mở cửa từ 5h sáng đến 21h tối tất cả những ngày trong tuần. Bạn có thể lưu ý khung giờ này để cân nhắc cho lịch trình của mình một cách phù hợp nhất, tránh đến quá sớm hoặc về quá muộn.
Sơ lược lịch sử chùa Phật cô đơn
Cư sĩ Lê Chí Bình với tâm niệm tạo nên nơi nương tựa về mặt tâm linh cho người dân lúc bấy giờ, nên đã cúng dường khu đất khoảng 30 hecta của chính gia đình bên dòng kênh Cầu Xáng để xây dựng nên ngôi chùa. Chùa Phật cô đơn (chùa Thanh Tâm) chính thức được hoàn thiện vào ngày 12/7/1956.
Điểm đặc biệt của nơi này chính là nhánh cây bồ đề chiết ra từ cây bồ đề đại thọ ở Ấn Độ – nơi mà Đức Phật từng tọa thiền, nhằm gợi nhớ cho các phật tử và tăng ni về nguồn cội linh thiêng của đạo Phật.
Hoà cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc, chùa Phật cô đơn (Bát Bửu Phật Đài) đã trở thành nơi ứng hiện nhiều phép màu vượt xa sự tưởng tượng, góp phần che chở cho vùng đất cũng như con người nơi đây khỏi những hỗn loạn của chiến tranh và mưa bom bão đạn.
Cũng giống như nhiều di tích lịch sử khác, chùa Phật cô đơn cũng từng trải qua tôn tạo. Sau khi hoàn thiện vào năm 1956, chùa được tiến hành trùng tu vào năm 1959 và hoàn thành xong vào 1961. Những năm gần đây, chùa cũng được tiến thành sửa chữa, xây dựng lại trong một thời gian dài và hoàn tất vào 2019.
Kiến trúc tinh xảo của chùa Phật cô đơn
Với diện tích tổng khoảng 30 hecta, chùa Phật cô đơn sở hữu khuôn viên vô cùng rộng rãi, thoáng mát, nằm lấp ló trong những tán cây bạch đàn tươi tốt. Các gian thờ được xây dựng vô cùng khang trang, nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, hoang sơ nhuốm màu thời gian và mang đậm chất chùa cổ của Việt Nam.
Vượt qua khỏi khu rừng bạch đàn, bạn sẽ nhìn thấy cổng tam quan vô cùng cao to, bên trên được chạm khắc những đường uốn lượn tỉ mỉ và tinh xảo, tạo sự nổi bật và trang nghiêm của lối vào nơi thờ tự. Đứng ở đây, thi thoảng bạn sẽ còn cảm nhận được mùi nhang thơm thoảng thoảng, hoặc nghe vọng từng hồi chuông giữa không gian tĩnh mịch.
Nhờ diện tích rộng lớn, chùa Phật cô đơn (chùa Thanh Tâm) có thể trưng bày vô số tượng phật khác nhau với lối điêu khắc tinh tế và sống động. Bên trong chánh điện chùa Phật cô đơn (chùa Thanh Tâm) hiện đang thờ tượng phật Di Đà, tượng phật Tiêu Điện và tượng phật Hộ Pháp. Bên cạnh đó, chùa còn có gian thờ tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng phật Bồ Tát Chuẩn Đề, tượng Địa Tạng, tượng phật Di Lặc cùng nhiều pho tượng phật khác.
Tượng Phật cô đơn hiện nằm bên ngoài phần chánh điện. Ngoài ra còn có điện thờ Đức Thánh Quan Công, tổ sư Thích Thiện Bổn hay đền thờ Ông Hổ…
Sau đợt trùng tu và xây dựng lại gần đây (2017-2019), chùa Phật cô đơn hiện không chỉ là điểm đến tâm linh dành cho phật tử khắp nơi, mà còn trở thành nơi thanh tịnh dành cho các Ni giới tu học, được xem là một trong 4 điểm đào tạo tăng ni lớn bậc nhất cả nước.
Cầu duyên tại chùa Phật cô đơn
Tuy có tên là chùa Phật cô đơn nhưng đây là địa điểm cầu tình duyên nổi tiếng tại địa phận thành phố Hồ Chí Minh. Rất nhiều người đều tin tưởng, nếu thành tâm đến chùa cầu ban phước thì đường tình duyên sớm sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc ngập tràn và không còn cô đơn.
Vì thế mà vào những ngày lễ tết hoặc lễ tình nhân hằng năm, rất nhiều bạn trẻ đến chùa Phật cô đơn mong cầu cho mình một mối lương duyên tốt.
Cầu may mắn tại chùa Phật cô đơn
Nghi thức cầu nguyện những điều may mắn dành cho quý phật tử khi đến chùa Phật cô đơn như sau: bạn có thể ghi lời cầu nguyện hay ước mong của mình vào giấy, sau đó dán lên chuông chùa và đánh chuông thật vang. Bởi người ta quan niệm, chính tiếng chuông vang sẽ đưa theo những lời cầu xin của bạn đến với các vị Đức Phật.
Một số lưu ý khi đến viếng chùa Phật cô đơn
Chùa Phật cô đơn là nơi thờ tự trang nghiêm, yên tĩnh, nên khi đến tham quan hay cầu phúc bạn cần chú ý một số điều dưới đây:
- Trang phục khi đến viếng chùa phải lịch sự, cẩn trọng, không nên mặc những loại quần áo quá lòe loẹt, quá ngắn quá hở có thể gây phản cảm.
- Hạn chế chụp ảnh, hoặc chỉ chụp ở những khu vực khuôn viên bên ngoài. Nên giữ tâm an lạc khi thưởng thức cảnh quan chùa.
- Không đụng chạm hoặc tự ý mang về những đồ vật trong chùa mà không có sự cho phép.
- Không vứt rác bừa bãi, không ăn uống đùa giỡn hoặc nói to tiếng và làm ồn cảnh chùa yên tĩnh.
- Nếu có mục đích quay phim, chụp ảnh, bạn cần xin phép trước để tránh gây phiền phức đến các tăng ni đang tu hành.
- Khi cầu xin bất cứ điều gì, bạn nên giữ tấm lòng thành kính và tâm hồn an yên. Tránh mang những nguồn năng lượng tiêu cực đến chùa.
- Bạn nên lưu ý giờ đóng và mở cửa của chùa, để sắp xếp lịch trình cho phù hợp. Không nên đến chùa quá sớm hoặc quá muộn.
Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về ngôi chùa Phật cô đơn này, cũng như tìm được cho mình điểm đến tâm linh thích hợp khi có dịp ghé thăm thành phố mang tên Bác. Chúc bạn có chuyến hành trình trọn vẹn nhất và gửi đi được những ước nguyện trong cuộc sống của mình.