Hà Nội nghìn năm văn hiến được biến đến với nhiều danh lam thắng cảnh, điểm du lịch lý tưởng. Trong đó, chùa Trấn Quốc là một địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội thu hút một lượng lớn khách cả trong và ngoài nước. Đây là trung tâm Phật Giáo nổi tiếng Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm, chùa Trấn Quốc trở thành niềm tin tín ngưỡng của nhiều Phật Tử.
Lịch sử chùa Trấn Quốc
Ngôi chùa Trấn Quốc được xây dựng cách đây khoảng hơn 1500 năm từ thời nhà Tiền Lý (Lý Nam Đế 541-547). Ban đầu chùa có tên là Khai Quốc và cho đến thời vua Lê Hy Tông (1689-1705) mới đổi tên thành chùa Trấn Quốc. Từ xa xưa, chùa Trấn Quốc được xem là trung tâm của Phật Giáo tại kinh thành Thăng Long. Nơi đây thường xuyên tổ chức các hoạt động ngự giá cúng lễ vào dịp lễ, tết hay các sự kiện quan trọng dưới các đời vua Lý và Trần.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử cũng như các lần trùng tu nhưng chùa vẫn được bảo tồn giá trị kiến trúc cổ kính. Cho đến ngày nay, chùa Trấn Quốc vẫn nổi tiếng với lối kiến trúc ấn tượng giống như một đài sen đang nở rộ giữa lòng hồ mênh mông. Mang đến cảm giác gần gũi, an yên cho những người hành hương trở về đây.
Với giá trị lớn về kiến trúc, tâm linh chùa Trấn Quốc thu hút nhiều Phật tử cũng như khách tham quan trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, chùa Trấn Quốc còn được liên tục vinh danh trên các tạp chí, trang mạng điện tử lớn trên thế giới. Vào năm 2016, Daily Mail đã bình chọn Trấn Quốc là một trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Năm 2017, chùa tiếp tục được trang web Wanderlust xếp hạng vị trí thứ 3 trong 10 ngôi chùa đẹp.
Đặc biệt, vào năm 2019, một lần nữa chùa Trấn Quốc lại có mặt trong danh sách những ngôi chùa Phật Giáo có kiến trúc đẹp nhất thế giới và nên ghé thăm do tạp chí National Geographic bình chọn.
Chùa Trấn Quốc thờ ai?
Ngôi chùa Trấn Quốc thuộc hệ phái Bắc Tông, ngay bên trong điện thờ Phật A Di Đà, phật Thích Ca Mâu Ni, phật Quan m. Bên cạnh đó, trong chùa còn có các ban thờ Quan Vũ, Quan Bình, Chu Thương, Đức Ông và các thị giả.
Thời điểm thích hợp tham quan chùa Trấn Quốc
Ngôi chùa nằm giữa trung tâm Hà Nội được nhiều người dân Thủ Đô ghé thăm đặc biệt là vào rằm hay mùng 1 hàng tháng. Các tăng ni, phật tử trở về chùa vãn cảnh, du ngoạn, hành hương, khấn phật. Vào những dịp lễ, tết nơi đây còn tiếp đón không chỉ người dân Hà Nội mà còn cả du khách thập phương. Đây được xem là một danh lam thắng cảnh đẹp nhất mà bạn không nên bỏ qua khi đến với thủ đô. Bạn có thể ghé thăm chùa vào bất kỳ thời điểm nào trong năm đều có thể cảm nhận rõ vẻ đẹp, yên bình và thanh tịnh nơi đây. Nếu bạn không thích ồn ào, đông đúc thì có thể ghé qua chùa vào những ngày bình thường trong tháng.
Cách di chuyển đến chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc nằm ở phía đông Hồ Tây, cuối đường Thanh Niên thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Cách trung tâm Tp Hà Nội chỉ khoảng 4km, để di chuyển đến đây bằng phương tiện cá nhân như ô tô hoặc xe máy. Ngoài ra bạn cũng có thể lựa chọn đến chùa Trấn Quốc bằng phương tiện công cộng như xe bus. Hiện tại có 2 tuyến xe bus chạy qua chùa thuận tiện gồm tuyến bus 33 (xuất phát bến xe Yên Nghĩa – Xuân Đỉnh) hoặc tuyến bus 50 (Long Biên- Sân vận động Quốc Gia).
Kiến trúc tại chùa Trấn Quốc có gì đặc biệt?
Theo dòng lịch sử phát triển của Việt Nam, chùa Trấn Quốc đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Dù vậy, nơi đây vẫn được bảo tồn gìn giữ nét đặc trưng của kết cấu và kiến trúc Phật Giáo. Chùa được xây dựng với 3 ngôi điện chính gồm Tiền Đường, nhà Thiêu Hương và Thượng Điện khi xếp lại với nhau tạo thành hình chữ Công. Đặc biệt, khi đến với chùa Trấn Quốc du khách sẽ bị ấn tượng với kiến trúc của Bảo Tháp hay còn được gọi là Cửu phẩm liên hoa.
Bảo Tháp
Bảo Tháp trong ngôi chùa Trấn Quốc được xây dựng vào năm 1998 và hoàn thành vào năm 2003 tạo thành một khu vườn tháp ngay trong khuôn viên chùa. Tòa Bảo Tháp bảo gồm 11 tầng với diện tích lên tới 10.5m2. Phía trong Bảo Tháp thờ tượng Phật A Di Đà được làm từ đá quý. Trong tháp còn có khoảng 66 các pho tượng khác. Ở phía trên tháp là tòa sen 9 tầng (cửu phẩm liên hoa) được làm từ chất liệu đá quy cao cấp. Nhìn từ xa giống như một bông sen đẹp đang nở rộ và tỏa hương thơm ngát. Bảo Tháp uy nghiêm, sừng sững càng làm tôn thêm vẻ đẹp, sự linh thiêng mà không mất đi lối kiến trúc vốn có của ngôi chùa.
Nhà Tiền Đường
Sau khi đã tham quan Bảo Tháp, bạn có thể tiếp tục di chuyển vào bên trong để hành hương và khấn Phật tại Tiền Đường. Tòa Tiền Đường được xây dựng theo hướng Tây, phía sau là nhà Tam Bảo, hai dãy hành lang hai bên chính là nhà Thiên Hương và Thượng Điện. Nơi đây thờ những tượng phật đẹp và quan công ấn tượng.
Nổi bật ở khu vực Tiền Đường chính là tượng Phật Thích Ca nhập Niết được làm bằng gỗ và sơn son thiếp vàng. Đây là một trong những bức tượng Niết được đánh giá đẹp nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Tiền Đường cũng thờ rất nhiều phật khác đúc bằng đồng đẹp lung linh.
Thượng điện
Ngay phía sau Thượng điện là một gác chuông được xây dựng bằng gỗ cùng mái ngói đỏ truyền thống được chia làm 3 gian. Bên phải gác chuông là nhà thờ tổ, bên cạnh là nhà bia. Thượng điện của chùa Trấn Quốc hiện nay đang lưu trữ 14 tấm bia khắc những bài thơ của các vị trạng nguyên và tiến sĩ nổi tiếng thời trước. Ngoài ra, bia ở đây cũng lưu trữ lại lịch sử phát triển của chùa qua các đời vua, mang giá trị văn hóa lâu đời của Thủ Đô.
Cây bồ đề
Cây bồ đề tại Chùa Trấn Quốc thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách, phật tử. Bởi đây là cây bồ đề được chiết từ cây Bồ Đề Đạo Tràng, đây chính là nơi Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây khoảng hơn 25 thế kỷ về trước. Cây bồ đề còn chính là hiện thân mang ý nghĩa biểu trưng cho trí tuệ của Đức Phật, tấm lòng từ bi, hỷ xả của ngài đối với nhân loại.
Hơn ̉60 năm kể từ ngày ông Prasat tặng cây bồ đề cho chùa Trấn Quốc, các sư trụ trì vẫn chăm sóc cẩn thận và kỹ lưỡng. Bóng mát của cây bồ đề tạo cảm thư thái, thoáng mát hơn cho không gian khuôn viên chùa Trấn Quốc.
Lưu ý khi đến chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc là chốn linh thiêng, do đó khi đến tham quan, lễ chùa bạn cần chú ý một số điều sau:
- Nên ăn mặc lịch sự, kín đáo khi bước vào chùa. Tránh lựa chọn những trang phục hở hang phản cảm
- Đi nhẹ, nói khẽ, văn minh và lịch sự. Tránh nói chuyện lớn, cười đùa hay nói tục
- Giữ gìn vệ sinh khuôn viên chùa, tránh xả rác bừa bãi
- Không hái hoa, bẻ cành làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan của chùa
Ăn gì khi đến Hồ Tây?
Chùa Trấn Quốc nằm ở Hồ Tây, do đó sau khi đi tham quan, vãn cảnh và lễ chùa bạn cũng có thể thưởng thức thêm một vài món ngon ở đây. Bạn có thể chạy dọc theo con đường ven hồ sẽ tìm thấy một vài quán ăn ngon chuẩn vị bắc. Đến với Hồ Tây nên thưởng thức những món ăn như bún đậu Cây Đa, mỳ gà tần, bánh tôm Hồ Tây, bánh rán mặn Võng Thị,…
Tổng kết
Với những giá trị lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và các tín đồ Phật Tử. Nếu có một lần ghé thăm Hà Nội bạn đừng bỏ qua danh lam thắng cảnh nức tiếng Thủ Đô này nhé.