Du lịch Bắc Kạn là 1 trong những chuyến du lịch đáng để khám phá nhất Việt Nam. Bởi tại đây, bạn sẽ được hòa mình vào thảm cây xanh bạt ngàn, được tận hưởng bầu không khí thuần khiết và đắm chìm trong sự đôn hậu nơi cách sống, cách sinh hoạt của người dân xứ bản địa.
Để có cho mình thêm nhiều hơn nữa những kiến thức du lịch về nơi này, hãy cùng mình khám phá và tìm hiểu Bắc Kạn qua những trải nghiệm sau đây nhé:
Các lễ hội truyền thống tại Bắc Kạn
Khác với vùng đồng bằng, lễ hội Xuân của Bắc Kạn thường mang những nét văn hóa, những phong tục và triết lý của dân tộc vùng cao.
Lễ hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng Tồng (hay còn có nghĩa là xuống đồng) được tổ chức từ ngày mùng 4 đến 25 tháng giêng âm lịch, mang ý nghĩa như một nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất, mùa trồng trọt mới.
Lễ hội có hai phần chính là phần lễ và phần hội, với phần lễ, nghi thức sẽ bao gồm rước lễ, dâng cỗ của 16 xã, thuộc huyện Ba Bể, dâng lên các vị thần trị vì để cầu mưa thuận gió hòa, hạnh phúc an yên, mùa màng bội thu,… Còn phần hội được tổ chức linh đình với các chương trình thi đấu, múa lân, văn nghệ, hay các trò chơi như bịt mắt bắt dê, kéo co, đua thuyền, chọi dê,…
Bởi quy mô và nét truyền thống đặc trưng, lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nếu có dịp, thử đến và trải nghiệm 1 lần không khí lễ hội tại đây bạn nhé, chắc chắn lễ hội này sẽ không làm bạn thất vọng.
Lễ hội Mù Là
Ngoài lễ hội Lồng Tồng, một lễ hội cũng độc đáo không kém của đồng bào H’Mông đó chính là lễ hội Mù Là được tổ chức tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm. Lễ hội này đã được tỉnh Bắc Kạn khôi phục tổ chức từ năm 2017, và vào ngày mùng 3 và mùng 4 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, lễ hội thu hút một lượng lớn khách du lịch và đồng bào đến từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Thực chất lễ hội này là lễ hội cúng cầu mùa và được tổ chức để xua đuổi những điều không may mắn, chỉ để lại những niềm hạnh phúc trong năm cũ, qua đó cũng cầu mong năm mới tới mưa thuận gió hòa, nhà nhà an vui hưởng lạc.
Lễ hội này mang nét đẹp riêng biệt đó chính là phô diễn lối sinh hoạt truyền thống của người H’Mông như: Chọi bò, hát đối đáp, nối sợi lanh, thi nấu mèn mén,… cùng nhiều phần thi hấp dẫn và cuốn hút khác. Riêng thi nấu mèn mén, đây là một trong những cuộc thi được mong chờ nhất bởi đây là món ăn mang đặc trưng riêng của đồng bào H’Mông.
Các mẹ, các chị sẽ lựa chọn cho mình những hạt ngô đẹp, căng mẩy nhất và khéo léo hấp lên tạo thành món ăn vừa thơm vừa ấm áp giữa cái rét lạnh tháng giêng. Trong lễ hội, các dân tộc thi đua trình diễn trang phục, ca hát múa những làn điệu dân ca góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống bản xứ.
Tới Bắc Kạn thì đi đâu chơi?
Vậy khi đã lựa chọn cho mình thời điểm đẹp nhất để thưởng ngoạn, thì chúng ta nên đi đâu nhỉ, hãy cùng mình lược qua những danh lam thắng cảnh tại vùng cao này nhé
Hồ Ba Bể
Hồ Ba Bể toạ lạc ở trung tâm Vườn quốc gia Ba Bể, cách Thành phố Bắc Kạn khoảng 80km về phía Tây Bắc. Đây được mệnh danh là một trong những danh lam thắng cảnh kỳ vỹ, độc đáo nhất Việt Nam hiện nay.
Từ biến động cấu tạo địa chất từ hàng triệu năm trước, đã làm sụt lún các dãy đá vôi, hang động hình thành nên 3 hồ nước lớn bao gồm: hồ Pé Lèng, Pé Lù, Pé Lầm, và sau này, 3 hồ hợp thành 1 đến bây giờ, người ta đặt cho nó là hồ Ba Bể.
Hồ có chiều dài, diện tích và độ sâu lần lượt là 8km, 500ha, 20m, chỗ sâu nhất lên tới 35m. Trên hồ còn có những hòn đảo nhỏ xinh đẹp, và hàng trăm loài cá nước ngọt sinh sống, cư ngụ.
Vào tháng 3 năm 1995, nhờ sự tích hình thành đặc biệt của mình, hồ Ba Bể được xưng bá là 1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp của thế giới cần được bảo vệ. Đến năm 2012, hồ Ba Bể chính thức được công nhận là Di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Thác Đầu Đẳng
Nếu đã trải nghiệm Bắc Kạn, du khách không nên bỏ qua Thác Đầu Đẳng, dòng thác nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi đá vôi trên dòng sông Năng, nơi tiếp giáp giữa 2 tỉnh thành Tuyên Quang, Bắc Kạn.
Dòng Sông năng dịu dàng uốn quanh dưới núi Lũng Nham tạo thành động Puông, khi uốn lượn đến bản Húa Tạng thì bị chặn bởi hàng trăm tảng đá lớn nhỏ xếp chồng, xen kẽ lên nhau, tạo thành 3 bậc thác nước hùng vĩ và đẹp mê hồn, cứ cách nhau 3-4m như thể đã được sắp đặt từ trước. Đây cũng là khu vực xuất hiện loài cá Chiên – loài cá hiếm thấy tại thời điểm hiện tại, với cân nặng có thể lên hàng chục ký.
Khu ATK – chợ Đồn
Đừng quên tới Khu ATK và chợ Đồn khi đến với Bắc Kạn bạn nhé. Theo dòng lịch sử, đây đã là nơi Bác Hồ chọn làm khu an toàn trong cuộc chiến trường kỳ chống TD Pháp.
Địa điểm này cũng là nơi ghi dấu lịch sử của nhiều cơ quan đầu não kháng chiến như Đài tiếng nói Việt Nam, Trạm phẫu thuật Quân Y,.. trong khoảng những năm 1947-1952.
Bản du Lịch Pác Ngòi
Bản Pác Ngòi là bản thuộc vùng dân cư sinh sống của người Tày, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể.
Đến với bản, bạn sẽ được hiểu tỉ mỉ cách thức để xây dựng 1 ngôi nhà sàn cổ, cách mà người ta xem trọng mái nhà – nơi bản xứ cho rằng cần phải xây dựng công phu để hài hòa âm dương nhất.
Bạn sẽ được chiêu đãi những món ăn đặc Sản của người Tày như cá nướng, tép chua, xôi ngũ sắc,… cùng vô vàn trải nghiệm khi ngủ tại nhà sàn, nghe dân ca bản xứ hay du lịch thăm vãn bằng phương tiện là thuyền,…
Thời điểm đẹp nhất để đi du lịch Bắc Kạn
Bắc Kạn – vùng đất của khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc trưng bởi 2 mùa rõ rệt quanh năm: Mùa mưa nóng ẩm trải dài 5 tháng từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô gồm 7 tháng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tại vị trí giữa 2 hệ thống núi cánh cung của Đông Bắc, nên về mùa đông, Bắc Kạn thường có nhiệt độ lạnh hơn những vùng khác.
Nếu bạn đã có những dự tính hay lên kế hoạch đi du lịch cùng người nhà hoặc một mình thì chắc chắn bạn sẽ đắn đo không biết đi vào thời điểm nào là phù hợp phải không nào?
Dựa vào khí hậu mà mình cung cấp ở trên, chắc chắn bạn đã có cho mình những nhận định, nhưng hãy tham khảo thêm ý kiến của mình nhé
Với kinh nghiệm du lịch của mình, mình cho rằng bạn nên chọn đi du lịch khoảng từ tháng 5 đến tháng 9 bởi thời điểm này nhiệt độ và cảnh quan của Bắc Kạn rất ôn hòa mặc dù đang là mùa nóng ẩm.
Còn nếu bạn muốn trải nghiệm về đời sống sinh hoạt của người dân, về những tập tục bản địa thì hãy đến vào tháng 1 (âm lịch), đây là quãng thời gian mà các dân tộc vùng cao sẽ thường xuyên tổ chức lễ hội, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về nét tính cách, văn hóa và ẩm thực độc đáo tại Bắc Kạn.
Du lịch Bắc Kạn cần lưu ý điều gì?
Mỗi vùng đất mới mà bạn thăm thú sẽ có những nét văn hóa ẩm thực đặc trưng riêng. Bởi vậy, hãy thủ sẵn cho mình những món ăn khô, tích trữ được đường xa để nhỡ không hợp khẩu vị thì có thể nhanh chóng thay thế bạn nhé.
Bên cạnh đó, mỗi vùng đều có 1 đặc sản riêng, hãy là những nhà tiêu dùng thông minh để biết cách chọn lựa cho mình những đặc sản chỉ có ở Bắc Kạn bạn nhé, ví dụ như bạn có thể mua quýt Quang Thái – món ẩm thực lưu niệm được ưa thích nhất vùng vào khoảng tháng 8 – tháng 10, hoặc bạn cũng có thể lựa chọn mua lạp xưởng hun khói hoặc thịt gác bếp để làm quà.
Kết luận
Mùa hè đang gõ cửa rồi, hãy cùng người thân, bạn bè của mình khởi hành 1 chuyến hành trình Du lịch Bắc Kạn, để trải nghiệm những cung bậc hấp dẫn này bạn nhé. Hi vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp ích nhiều cho các bạn. Chúc bạn có một chuyến đi thật trọn vẹn !